Mỗi người đều là một cá thể độc lập, có suy nghĩ và bí mật riêng. Một người khôn ngoan thì biết cái gì nên nói và cái gì nên giữ cho riêng mình.
Dù mối quan hệ tốt đến đâu, đừng nên dễ dàng nói cho người khác biết những ‘bí mật’ cần được chôn chặt. Ảnh minh họa.
1. Những sai lầm trong quá khứ
Ai cũng từng mắc sai lầm, có những thứ mà chính bản thân bạn cũng không thể tự tha thứ. Nó như vết nhơ khắc mãi trong tâm trí và không thể xóa nhòa. Hãy tự khắc ghi lỗi lầm của bản thân và hành động để sửa sai, không cần thiết phải cho người khác biết.
Lòng dạ con người khó đoán, có thể khi vui vẻ không sao, nhưng khi tình cảm rạn nứt, những bí mật lại trở thành “thanh gươm sắc bén” quay lại đâm chính bạn. Nếu đó là bí mật riêng cần giữ thì dù tin tưởng ai cũng không nên nói, bởi không thể biết ngày mai tình bạn đó có thực sự còn như cũ?
Hãy hiểu một cách đơn giản, khi bí mật của riêng mình mà bản thân còn không giữ được, thì rất khó trách người khác. Nếu thực sự muốn giữ những chuyện bí mật, hãy kìm chế và đừng nói với người khác.
2. Mục tiêu tương lai của bản thân
Đa số chúng ta đều tin rằng nếu công bố kế hoạch và mục tiêu của mình cho những người khác, họ sẽ góp ý và giúp đỡ chúng ta, nhờ đó kế hoạch dễ thành công hơn. Tuy nhiên, Giáo sư Peter Gollwitzer của Đại học New York đã chứng minh điều ngược lại dựa trên kết quả một nghiên cứu trong cuốn “Symbolic Self-Completion” (xuất bản năm 1982): “Việc tiết lộ kế hoạch cho người khác sẽ làm giảm khả năng thực hiện được kế hoạch đó”.
Mục tiêu đặt ra chính là sức mạnh bên trong mỗi con người. Không nên đề cập mục tiêu với người khác bởi nếu thành công, mọi người sẽ tự nhiên biết đến và ngưỡng mộ bạn. Ngay cả khi thất bại, cũng chẳng ai cười bạn. Nên kín tiếng, kiệm lời, không tiết lộ những mục tiêu của mình bởi nếu khoa trương sẽ bị nhiều người nhòm ngó.
Bất kỳ ai sau khi tiết lộ những mâu thuẫn trong gia đình nghĩa là họ đã đánh mất quyền kiểm soát thông tin và quyền giữ bí mật cho mình. Ảnh minh họa.
3. Thu nhập riêng
Trong những mối quan hệ xã giao của xã hội văn minh, mọi người luôn cố gắng để không làm tổn thương đến người đối diện, vì vậy tốt nhất không nên hỏi về thu nhập của người khác cũng như tiết lộ thu nhập của mình. Nếu bạn nói có thu nhập tốt, chắc chắn sẽ khiến người khác phải ghen tỵ. Còn nếu bạn không có tiền dư ở nhà, bạn sẽ bị chế giễu.
Hầu hết những người xung quanh đều muốn bạn sống tốt nhưng họ sợ rằng bạn sẽ sống tốt hơn họ, đặc biệt là về thu nhập. Điều này có thể gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh hay ghen ghét từ một ai đó có mức lương thấp hơn. Hai người cùng vạch xuất phát, một khi người này vượt mặt người kia, trong lòng dễ nảy sinh cảm giác bực bội.
Luôn hòa đồng với bạn bè, không nên xa lánh nhau vì sự chênh lệch thu nhập. Tình bạn vì thế mà tiến xa hơn, không bị chi phối bởi tiền bạc.
4. Mâu thuẫn gia đình
Người xưa thường nói “tốt khoe, xấu che” nhưng đôi khi vì quá mệt mỏi bạn lại muốn tâm sự, giãi bày với người khác để nhẹ lòng, nhưng điều này thực sự có ích?
Bất kỳ ai sau khi tiết lộ những mâu thuẫn trong gia đình nghĩa là họ đã đánh mất quyền kiểm soát thông tin và quyền giữ bí mật cho mình. Trừ khi chắc chắn người mà mình tâm sự không ba hoa, khoác lác, còn không sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi cả thế giới biết rõ các vấn đề xảy ra trong gia đình bạn. Bí mật bị tiết lộ, xa xôi hơn sẽ trở thành rắc rối hàng đầu bởi đi đâu bạn sẽ thấy chuyện của gia đình mình bị đem ra bàn tán, dị nghị.
“Đừng nên phơi những bộ quần áo bẩn ở nơi thoáng gió”, bởi quần áo chẳng những không sạch mà còn bị nhiều người chê cười. Bất kể gia đình bạn tốt hay xấu, mâu thuẫn phát sinh từ đâu phải do chính người trong nhà giải quyết.
Bản chất con người rất phức tạp, nếu không cẩn thận thì người đau đớn cuối cùng sẽ chỉ là chúng ta.